30 năm trên hành trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích Yên Tử

Từ xưa, Yên Tử không những nổi tiếng là “Danh lam cổ tự” đẹp nhất trời Nam mà còn nổi tiếng là chốn Tổ linh thiêng, Kinh đô Phật giáo của Quốc gia Đại Việt. Yên Tử gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp tu Thiền của Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông - người sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - một dòng Thiền mang đậm bản sắc dân tộc và được tôn vinh là Phật giáo của Việt Nam.

Ngay từ những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vào ngày 13/3/1974, Bộ Văn hoá nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ban hành Quyết định số 15 xếp hạng Khu Di tích và Danh thắng Yên Tử là Di tích lịch sử - văn hoá Quốc gia. Trước ngày thành lập Ban quản lý Di tích lịch sử và Danh thắng Yên Tử, Khu Di tích - Danh thắng Yên Tử trải qua hơn 700 năm tồn tại, chịu sự tàn phá khắc nghiệt của thiên tai, địch hoạ đã xuống cấp nghiêm trọng, trở thành phế tích.

Sau 18 năm, kể từ ngày Khu di tích và danh thắng Yên Tử được công nhận, xếp hạng cấp quốc gia, ngày 28/9/1992, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 2275 thành lập Ban Quản lý Di tích lịch sử và Danh thắng Yên Tử - cơ quan tiền thân của Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, trực thuộc UBND thị xã Uông Bí. Sau hơn một tháng gấp rút hình thành tổ chức bộ máy, vào tháng 11/1992, Ban quản lý Di tích lịch sử và Danh thắng Yên Tử chính thức “ra mắt” với 04 cán bộ và thực hiện nhiệm vụ “quản lý, bảo vệ, giữ gìn vệ sinh công cộng tại Khu Di tích - Danh thắng Yên Tử, dịch vụ, hướng dẫn khách tham quan du lịch đến thăm viếng chùa”.

Đội ngũ CBVC Ban quản lý Di tích lịch sử và Danh thắng Yên Tử những ngày đầu thành lập và đội ngũ CBVC Ban quản lý Di tích lịch sử và Danh thắng Yên Tử hiện nay.

Những ngày đầu mới thành lập, BQL gặp bộn bề khó khăn như: biên chế ít, cơ sở vật chất thiếu thốn, không có trụ sở làm việc, phương tiện phục vụ công tác trong điều kiện đường sá đi lại khó khăn, lần đầu được giao quản lý Rừng đặc dụng Yên Tử và thực hiện dự án đầu tư, trùng tu, tôn tạo tổng thể các di tích Yên Tử - khối lượng công việc rất lớn so với biên chế thời điểm đó. Cơ cấu tổ chức không ổn định, mặc dù được hai lần đổi tên từ Ban quản lý Di tích lịch sử và Danh thắng Yên Tử thành Trung tâm Quản lý Di tích – Danh thắng Yên Tử và Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, trực thuộc đơn vị chủ quản khác nhau, song chức năng, nhiệm vụ chính của Ban quản lý Yên Tử là “Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Khu Di tích Yên Tử”.

Trong suốt chặng đường 30 năm trên hành trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích Yên Tử, với sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp, ban, ngành, Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong đó, đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động Ban quản lý Yên Tử đã dập dịch 101 văn bia, tổ chức nghiên cứu, sưu tầm và lưu giữ 803 hiện vật có giá trị văn hoá vật thể vô cùng phong phú, trong đó có 770 hiện vật đã được lập hồ sơ dưới dạng: miêu tả, chụp ảnh, đánh số hiện vật. Những hiện vật này đã gắn liền với tiến trình lịch sử và sự phát triển của Phật Giáo ở Yên Tử, gắn liền với Thiền Phái Trúc Lâm và Đức vua – Phật hoàngTrần Nhân Tông. Việc nghiên cứu, sưu tầm hiện vật đã phục vụ cho công tác nghiên cứu, trưng bày, tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị của khu di tích Yên Tử. Ngoài ra, BQL đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Viện Bảo tồn Di tích, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành 12 đợt nghiên cứu, khai quật khảo cổ học trong khu vực di tích, phát hiện nhiều di vật, tách lập được hệ thống bản vẽ mặt bằng của các điểm di tích, giúp “giải mã” nhiều vấn đề về khoa học, lịch sử, văn hoá liên quan đến danh nhân, di tích và không gian quy hoạch tổng thể khu di tích Yên Tử hiện tại và tương lai.

Hiện vật thế kỷ XIII - XIV được Ban quản lý Yên Tử bảo quản phục vụ công tác nghiên cứu.

30 năm qua, hơn 140 hạng mục công trình đã được đầu tư tôn tạo, xây dựng tại Khu Di tích Yên Tử, tiêu biểu như: Tuyến đường vào Yên Tử được mở rộng, hạ độ dốc, 10 ngôi chùa trong Khu di tích đã được đầu tư tôn tạo. Hạ tầng tại hầu hết các điểm di tích được đầu tư đồng bộ. Bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông và ngôi chùa Đồng bằng chất liệu đồng trên núi Yên Tử đã được đúc dựng. Đồng thời với  việc nâng cấp, xây dựng, cải tạo, mở rộng đường hành hương trên núi, hệ thống cáp treo được lắp đặt đã giúp du khách hành hương về Chốn Tổ thuận lợi, an toàn. Và gần đây, Trung tâm Văn hoá Trúc Lâm với thiết kế mang “hồn Việt, nét Trần và tinh thần Thiền Trúc Lâm”, khu nghỉ dưỡng cao cấp Legacy Mgallery Yên Tử đạt chuẩn 5 sao với nhiều dịch vụ mang nét riêng Yên Tử đã hình thành, tạo sự hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế.

Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Chùa Vân Tiêu xưa và nay.

Hàng năm, Ban quản lý Yên Tử đã phối hợp với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm tổ chức nhiều hoạt động văn hoá - tín ngưỡng - tôn giáo gắn liền với thân thế, sự nghiệp của Đức vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương như: Lễ khai mạc Hội xuân Yên Tử; lễ Phật đản; Đại lễ tưởng niệm ngày mất của Phật hoàng Trần Nhân Tông …

Lễ khai mạc Hội xuân Yên Tử năm 1993 và năm 2019.

Với vị thế là khu di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng của cả nước, được xem là trung tâm Phật giáo của quốc gia Đại Việt, hàng năm khu di tích Yên Tử tiếp đón hàng triệu du khách về tham quan, vãng cảnh, lễ Phật. Trong 30 năm qua, Ban quản lý Yên Tử đã đón gần 20 triệu lượt khách đảm bảo an toàn, chu đáo; tiếp nhận trên 300 tỷ đồng tiền công đức của du khách thập phương; tham mưu tổ chức các Hội thảo khoa học: “Trần Nhân Tông và Di sản Văn hoá”, “Phục hồi, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đa dạng sinh học Rừng Quốc gia Yên Tử”, “Cây Xích tùng cổ”; lập hồ sơ đề nghị xét duyệt “Cây Di sản” cho 233 cây Xích tùng, 14 cây Đại cổ, 20 cây Mai vàng, 1 cây Sung, 1 cây Đa và 1 cây Thị cổ; triển khai xây dựng dự án và phát triển giống Mai làm chỉ dẫn địa lý giống Mai vàng Yên Tử. Cung cấp tư liệu. phục vụ việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Quần thể Di tích Yên Tử là Di sản thế giới.

BQL Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử tham mưu cho UBND thành phố tổ chức Hội thảo phục hồi và bảo tồn phát huy giá trị đa dạng sinh học Rừng Quốc gia Yên Tử.

Công tác tuyên truyền, quảng bá về Yên Tử được Ban quản lý xúc tiến thông qua các kênh truyền thông của Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Hải Phòng, Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, Đài truyền hình Quảng Ninh, nhất là đẩy mạnh thực hiện các chuyên mục, chuyên đề, tin bài viết về khu Di tích nhằm quảng bá hình ảnh Yên Tử đến du khách trong và ngoài nước. Trong 30 năm, Ban quản lý Yên Tử đã xây dựng được đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp hướng dẫn tại điểm cho du khách; phát hành 20.000 bản đồ về khu di tích Yên Tử; 10.000 cuốn Sổ tay hướng dẫn du lịch song ngữ Việt - Anh; 10.000 bản đĩa DVD giới thiệu tiềm năng du lịch Yên Tử; 20.000 cuốn sách "Danh sơn Yên Tử - Thiền phái Trúc Lâm"; 50.000 bộ ảnh; 500.000 tờ gấp; đã xây dựng website tuyên truyền, quảng bá về khu di tích Yên Tử, được đánh giá có chất lượng cao, phong phú về thông tin tra cứu, cần thiết cho du khách, phục vụ các nhà khoa học, sinh viên, học sinh tìm hiểu, học tập và nghiên cứu về khu Di tích Yên Tử; xây dựng, triển khai "ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và quảng bá khu Di tích Yên Tử".

Thực hiện hướng dẫn viên tại chùa Hoa Yên.

Các biện pháp đảm bảo môi trường tại khu di tích được Ban quản lý Yên Tử quan tâm.Với địa bàn rộng, trải dài gần 20km, vào mùa lễ hội, lượng rác thải tương đối lớn. Ban quản lý Yên Tử đã tăng cường lực lượng lao động, phối hợp với Công ty CPPT Tùng Lâm làm nhiệm vụ vệ sinh môi trường tại Khu di tích, bố trí lao động làm nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng, vệ sinh tuyến đường từ Dốc Đỏ vào Yên Tử, được du khách và nhân dân khen ngợi.

Cán bộ, nhân viên Ban Quản lý di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử thu gom rác thải.

Trong những năm qua, tình trạng chặt phá rừng nói chung có nhiều diễn biến phức tạp. Đối với Rừng Quốc gia Yên Tử cũng không phải là ngoại lệ. Trước đây, khi chưa có Ban quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử, nơi đây từng là điểm nóng về tình trạng chặt phá rừng. Đến nay, sau nhiều nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên trong Ban quản lý, hiện tượng khai thác lâm sản trái phép đã được đẩy lùi. Rừng Yên Tử với 2.783ha được bảo vệ nghiêm ngặt và trả lại màu xanh vốn có. Để công tác bảo vệ rừng được thực hiện hiệu quả hơn, ngoài việc tổ chức tuần tra, canh gác, BQL đã tăng cường phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân xung quanh khu vực không đốt rừng làm nương rẫy, không săn bắt thú rừng và không xâm hại đến rừng. Rừng Quốc gia Yên Tử vẫn mang trọn vẹn hệ sinh thái của rừng nguyên sinh. Cùng với việc phát triển các hoạt động du lịch tâm linh và bảo vệ rừng đặc dụng, Ban quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử đang hướng tới mục tiêu phát triển nơi đây trở thành một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, xứng tầm với tiềm năng và giá trị vốn có. Trong 30 năm hoạt động nơi "Phúc địa", lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ Rừng quốc gia Yên Tử đã trồng mới được hơn 236ha rừng, chăm sóc hơn 480ha rừng, khoanh nuôi, bảo vệ 33.000ha rừng, phát gần 130ha đường băng ngăn cản lửa. Những con số đó là cả quá trình lao động bền bỉ, sáng tạo, phải đánh đổi biết bao mồ hôi, sức lực của những con người đang ngày đêm lặng thầm với công việc bình dị mà rất đỗi thiêng liêng này.

Nhân viên phòng Quản lý bảo vệ rừng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ Rừng Quốc gia Yên Tử.

Công tác y tế, cứu hộ, cứu nạn trong khu Di tích được Ban quản lý quan tâm, thường xuyên bố trí lực lượng thường trực cứn nạn.Trong 30 năm qua đã tổ chức sơ cấp cứu tại chỗ cho gần 5.000 trường hợp du khách bị cao huyết áp, tim mạch, trong đó có 50 trường hợp du khách nước ngoài, chuyển cấp cứu 103 trường hợp bệnh nhân nặng; tổ chức cứu hộ cứu nạn thành công 06 du khách bị ngã xuống vực sâu.

Nhân viên Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trong khu Di tích Yên Tử.

Công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, quản lý các hoạt động dịch vụ tại khu di tích được Ban quản lý Yên Tử chủ động phối hợp hiệu quả với các lực lượng như: Công an thành phố; Ban CHQS thành phố, Công ty CPPT Tùng Lâm, xã Thượng Yên Công... Qua đó, đã xử lý triệt để hiện tượng đeo bám khách, bán hàng giá cao, không đúng giá niêm yết, bán hàng rong, mời chào khách thiếu văn minh lịch sự, trộm cắp, móc túi, xe ôm, xe taxi đậu đỗ không đúng nơi quy định, cờ bạc trá hình, ăn xin, ăn mày… Các trường hợp du khách trình báo bị mất giấy tờ, tài sản được tiếp nhận thông tin và gửi trả lại du khách khi được tìm thấy. Do làm tốt công tác phối hợp, trong nhiều năm qua, tình hình ANTT, ATGT, PCCN tại khu di tích Yên Tử luôn giữ vững, bảo đảm an toàn về người và tài sản, phương tiện đi lại cho nhân dân về tham quan hành hương, lễ phật; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đoàn khách của Trung ương, của Tỉnh và khách quốc tế về thăm Yên Tử; không để xảy ra cháy nổ, ùn tắc giao thông, thất thoát cổ vật, hiện vật; không gian linh thiêng, môi trường văn hóa tại di tích được giữ gìn và phát huy, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, tạo niền tin cho du khách về tham quan vãng cảnh.

Nhìn lại chặng đường 30 năm nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, những thành tựu mà các thế hệ cán bộ, viên chức và lao động của Ban đạt được là không nhỏ, góp phần xây dựng và phát triển Yên Tử “xứng tầm” và thực sự trở thành “điểm đến” hấp dẫn với hàng triệu du khách trong và ngoài nước. Quần thể Yên Tử không chỉ được giữ gìn, bảo tồn nguyên vẹn mà đang ngày càng phát huy các giá trị to lớn cho hôm nay và mai sau. Kế thừa sự nghiệp bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Yên Tử của các thế hệ cán bộ, viên chức đi trước, phát huy truyền thống tốt đẹp của đơn vị 30 năm qua, tập thể cán bộ, nhân viên, người lao động Ban quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử quyết tâm đồng thuận, khắc phục khó khăn, nắm lấy thời cơ, vượt lên thách thức để hoàn thành sứ mệnh của người gìn giữ Di sản văn hoá - “Non thiêng Yên Tử”.

Kim Thủy

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 72134 Tổng lượt truy cập 89132829